Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng phụ thuộc vào chất lượng sinh hoạt chi bộ

01/08/2024 08:04

Ngày 1-8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.

t-2.jpg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai.

Toàn Đảng bộ thành phố có 17.980 chi bộ

Trình bày báo cáo tóm tắt tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật cho biết, do làm tốt công tác học tập, quán triệt, các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đều nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ, xác định rõ được những mục tiêu, giải pháp chủ yếu về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nêu trong Đề án số 11-ĐA/TU.

Nhờ đó, nhận thức của cấp ủy, chi bộ và đội ngũ đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến tích cực. Chế độ sinh hoạt thường kỳ được duy trì nền nếp; nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, đề cập trực tiếp vào các vấn đề mới, khó, cấp thiết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

t-1.jpg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật trình bày báo cáo. Ảnh: Đình Hiệp

Đội ngũ chi ủy viên, bí thư chi bộ cơ bản đều có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết với công tác xây dựng Đảng. Việc điều hành sinh hoạt đúng quy trình, quy định; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần tự phê bình và phê bình có chuyển biến rõ rệt.

Cùng với đó, chất lượng sinh hoạt và việc tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của chi bộ cũng như công tác phát triển đảng viên, quản lý đảng viên được nâng lên, thể hiện tư duy, năng lực và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của cấp ủy cấp trên và định kỳ dự sinh hoạt tại các chi bộ có khó khăn hoặc có vấn đề cần quan tâm được duy trì thực hiện nghiêm túc, đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Hồng Nhật cho biết, các cấp ủy, tổ chức Đảng và hầu hết cán bộ, đảng viên đánh giá cao việc ban hành Đề án số 11-ĐA/TU là trúng, đúng, thực sự hiệu quả, đi vào cuộc sống. Nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng đã có những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, khắc phục tính đơn điệu, hình thức trong sinh hoạt chi bộ.

Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 đảng bộ trực thuộc, với 3.172 tổ chức cơ sở Đảng, 17.980 chi bộ (1.726 chi bộ cơ sở và 16.254 chi bộ trực thuộc), 481.406 đảng viên.

Kết quả đánh giá xếp loại chất lượng chi bộ và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 93%. Hầu hết mục tiêu cụ thể của đề án đã đạt và cơ bản đạt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

t-7.jpg
Đồng chí Hồ Trọng Nguyên, Bí thư Chi bộ thôn Yên Đình, Đảng bộ xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những kết quả mà các đơn vị đạt được sau 3 năm triển khai Đề án số 11-ĐA/TU. Trong đó, nhiều đơn vị có cách làm đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả trong sinh hoạt chi bộ, như: Có slide trình chiếu (quận Long Biên, huyện Chương Mỹ); ban hành mẫu biên bản sinh hoạt, mẫu nghị quyết chi bộ; thành lập các tổ công tác chuyên dự sinh hoạt chi bộ, tổ chức sinh hoạt chi bộ mẫu để các chi bộ trong đảng bộ nghiên cứu, học tập...

Nhiều đơn vị xây dựng chi bộ bốn tốt, đảng viên đăng ký đảm nhận việc mới, việc khó; ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo nội dung sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, bố trí chi ủy viên tham gia ban quản trị chung cư cao tầng, xây dựng quy chế phối hợp giữa ban quản trị tòa nhà với Ban Công tác Mặt trận và tổ dân phố trong công tác quản lý và vận hành chung cư.

t-3.jpg
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhất trí với 2 mục tiêu của Đề án số 11-ĐA/TU chưa đạt 100%: Việc thực hiện nền nếp chế độ sinh hoạt chuyên đề mỗi quý một lần đạt 96%; tỷ lệ bí thư, phó bí thư, chi ủy viên chi bộ được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng và cập nhật kiến thức đạt 93%.

Ngoài ra, thời điểm sinh hoạt từ ngày 3 đến 5 hằng tháng ở một số chi bộ chưa thực hiện tốt. Chất lượng sinh hoạt giữa các chi bộ chưa đồng đều, thậm chí ở một số nơi, sinh hoạt chi bộ chủ yếu bàn về nhiệm vụ công tác chuyên môn.

t-8.jpg
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai phát biểu. Ảnh: Đình Hiệp

Trong khi đó, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề có nơi còn hình thức; việc phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ chưa được thực hiện đầy đủ, còn tình trạng ngại phát biểu, nhất là đảng viên trẻ (trung bình có 5 ý kiến/buổi sinh hoạt). Việc ghi chép nội dung sinh hoạt còn chưa phản ánh đúng diễn biến và số đảng viên tham dự, gây khó khăn trong việc quản lý đảng viên. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên ở một số chi bộ chưa cụ thể.

Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, kết quả của các đơn vị trong 3 năm triển khai Đề án số 11-ĐA/TU. Đồng chí nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và giải quyết những vấn đề ở cơ sở là rất quan trọng.

“Nhiệm vụ quan trọng của Đề án số 11-ĐA/TU là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong tình hình mới hiện nay. Đặc biệt là những yêu cầu thực tiễn kể từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố đến nay, với nhiều vấn đề mới phát sinh”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

t-11.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đình Hiệp

Điểm lại những kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai đề án, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành phố đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin, gắn chuyển đổi số với công tác sinh hoạt chi bộ và công tác Đảng. Nhờ đó đã có sự thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng về chất lượng sinh hoạt chi bộ ngay tại cơ sở. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai dự án lớn cũng như góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy đề nghị, các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả 8 nhóm giải pháp mà báo cáo đã đề ra. Trong đó, chú trọng rà soát, đánh giá các loại hình chi bộ để tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn. Mỗi chi bộ có những đặc điểm khác nhau nên không có mẫu số chung cho tất cả. Vì thế, các đơn vị phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, nhưng cần linh hoạt với tình hình thực tiễn của từng chi bộ, địa phương; nếu gặp khó khăn, vướng mắc khi triển khai đề án cần kiến nghị cấp trên.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy và các địa phương lựa chọn mô hình chi bộ sinh hoạt hiệu quả, tiêu biểu để biên tập thành tài liệu phổ biến cho các chi bộ khác tham khảo. Đối với các địa phương và đảng bộ trực thuộc tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho các bí thư chi bộ về công tác sinh hoạt chi bộ.

Năm 2025 thành phố kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng và Đảng bộ thành phố, các địa phương cần triển khai hội thi bí thư chi bộ giỏi cấp huyện để tuyên dương 95 bí thư chi bộ giỏi. Đồng thời, tổ chức gặp gỡ các bí thư chi bộ để trao đổi kinh nghiệm chia sẻ khó khăn, thuận lợi khi sinh hoạt chi bộ.

t-9.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng 10 tập thể. Ảnh: Đình Hiệp
t-10.jpg
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng 10 cá nhân. Ảnh: Đình Hiệp

Tại hội nghị, 20 tập thể, cá nhân được trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy do có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU.

Nguồn: Báo Hà Nội mới