Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phúc Thọ (03/8/1954 – 03/8/2024): Mốc son trong chặng đường phát triển quê hương

17/07/2024 14:55

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhân dân Phúc Thọ và đồng bào cả nước trở thành chủ nhân của đất nước, được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Niềm vui đó chưa được bao lâu thì ngày 23-9-1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ của thực dân Anh đã nổ súng tấn công, đánh chiếm Sài Gòn, chính thức tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Đứng trước họa ngoại xâm, ngày 19-12-1946, Bác Hồ đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Huyện Phúc Thọ sau 70 năm Ngày giải phóng huyện

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Phúc Thọ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, phát triển lực lượng, tích cực chuẩn bị kháng chiến. Ngày 7-11-1948, thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Sơn Tây. Từ đây, quân dân Phúc Thọ đã trực tiếp bước vào cuộc đấu tranh trực tiếp với kẻ thù xâm lược trên mảnh đất quê hương. Mặc dù trong tay chủ yếu là vũ khí thô sơ, song quân và dân Phúc Thọ đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch. Trong sự nghiệp vĩ đại đó đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng, tiêu biểu như Bùi Gia Ấp, Cao Thị Nấm, Đặng Thị Xuân… Nhiều tên đất, tên làng đã trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng như “Lạc Trị kiên cường, Tả Hà anh dũng, Miền Bún hiên ngang diệt thù”.

Ý chí ngoan cường, sự chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh của quân dân Phúc Thọ đã được phát huy suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của chúng trên đất nước ta và khôi phục hòa bình trên bán đảo Đông Dương.

Với thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ, đúng 17 giờ ngày 3-8-1954, những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi bốt Gia Hòa và Phụng Thượng, chấm dứt sự chiếm đóng của chúng trên quê hương Phúc Thọ. Từ đây, ngày 3-8-1954 trở thành Ngày giải phóng huyện - một mốc son vẻ vang trong lịch sử xây dựng và phát triển của quê hương.

Huyện Phúc Thọ ngày càng phát triển

Ngay sau ngày giải phóng, phát huy khí thế cách mạng, truyền thống yêu nước nồng nàn, quân và dân Phúc Thọ đã đoàn kết một lòng bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tái thiết quê hương; cùng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam ruột thịt; góp phần cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà tiếp tục phát huy truyền thống quê hương, cần cù, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách và giành thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh, quốc phòng…

Đã 70 năm trôi qua, nhưng Ngày Giải phóng huyện Phúc Thọ 03-8-1954 vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử, là mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển quê hương. Với sự kiện này, huyện Phúc Thọ đã thoát khỏi ách kìm kẹp của đế quốc, thực dân, chính thức làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi bước vào xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi này đã khẳng định đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng bộ huyện Phúc Thọ; là kết quả chiến đấu bền bỉ, gian khổ, anh dũng hy sinh, minh chứng tuyệt vời cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, đoàn kết của quân và dân Phúc Thọ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng huyện, cán bộ, đảng viên và nhân dân Phúc Thọ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý có được trên những chặng đường đã qua, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước.

Nguồn: Nguyễn Tuyết